Việt Nam – Thị Trường Màu Mỡ Của Ngành Tiêu Dùng Nhanh

Với dân số đông thứ ba ở khu vực Đông Nam Á, gần 70% dân số thuộc độ tuổi lao động (16- 60 tuổi), Việt Nam là thị trường lớn của ngành hàng tiêu dùng nhanh. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện, là động lực thúc đẩy ngành hàng tiêu dùng nói chung và ngành hàng tiêu dùng nhanh nói riêng phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian tới.

Người tiêu dùng Việt có nhiều sự lựa chọn hàng Việt

Hàng tiêu dùng nhanh (hoặc hàng tiêu dùng đóng gói) là nhóm sản phẩm giá thấp, được tiêu thụ, quay vòng và hết hạn nhanh chóng trong một thời gian ngắn (thường là ít hơn 1 năm). Trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng nhanh bao gồm các nhóm sản phẩm chính như đồ uống (bao gồm cả bia), thực phẩm, sữa, các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình, thuốc lá…

Trong giai đoạn 2010 – 2014, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định (khoảng từ 5- 7%/năm), kéo theo sự tăng trưởng ổn định của lĩnh vực hàng tiêu dùng nói chung và hàng tiêu dùng nhanh nói riêng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng chi tiêu thực của người tiêu dùng trong bán lẻ là 3%, hàng tiêu dùng (không phải thực phẩm và đồ uống) 6%, thực phẩm và đồ uống khác 3%.

Trong giai đoạn 2014- 2015, nhóm sản phẩm đồ uống tiếp tục có mức tăng trưởng tốt với 38% trong tổng doanh số bán hàng của toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh và đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất với mức 6,7%. Sự phát triển của sản phẩm đồ uống chủ yếu đến từ bia, nước uống tăng lực và nước uống giải khát. Sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 12% ở thành thị và 20% ở nông thôn. Ngược lại với nhóm sản phẩm đồ uống, thị trường tiêu thụ các nhóm sản phẩm còn lại vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các mặt hàng chăm sóc gia đình như bột giặt, thực phẩm đóng gói…

Tổng doanh thu thực của các lĩnh vực có liên quan đến hàng tiêu dùng ở Việt Nam dự tính sẽ tăng lên tới 140 tỷ USD vào năm 2016. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) ngành hàng tiêu dùng nhanh đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội tăng trưởng.

Xét về thị trường, trong khi tỷ lệ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 6 thành phố chính của Việt Nam (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng) dường như đang dần bão hòa thì thị trường nông thôn nổi lên như một nguồn tăng trưởng mới.

Trong khi thành thị chỉ đạt mức tăng trưởng vào khoảng 1,6%, thì thị trường nông thôn phát triển tới mức 2,7%, chủ yếu do tăng trưởng khối lượng tiêu thụ. Các nhóm sản phẩm dẫn đầu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong thị trường nông thôn là nước uống năng lượng, nước rửa chén, sữa uống đóng chai/đóng hộp, nước uống đóng chai và nước giải khát…

Dân số ở nông thôn Việt Nam chiếm 68% trong tổng số 90 triệu dân và hiện nay chỉ có 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến nông thôn. Tăng trưởng thu nhập của khu vực nông thôn cũng đạt khoảng 44% trong 3 năm qua. Điều này cho thấy, thị trường nông thôn còn tiềm ẩn rất nhiều cơ hội. Việc mở rộng đến thị trường nông thôn ở Việt Nam là phù hợp và điều quan trọng là phải có kế hoạch tập trung đầu tư thích hợp vào các vùng nông thôn.

Phát triển bền vững ngành hàng tiêu dùng nhanh

Mặc dù đã đạt được mức tăng trưởng tương đối khả quan thời gian qua nhưng nhưng nhìn chung, DN sản xuất các sản phẩm tiêu dùng nhanh còn tồn tại một số hạn chế như năng lực tài chính yếu, nhiều mặt hàng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu…

Với mục tiêu đưa ra những giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp nói chung và ngành hàng tiêu dùng nhanh nói riêng tại Việt Nam, trong “Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 9/6/2014, chỉ rõ: Huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật, có năng lực sáng tạo; ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược; điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để hiện thực hóa các nội dung trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam trong những năm tới và để khắc phục những hạn chế hiện có, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp tiêu dùng nhanh phát triển bền vững tại thị trường nội địa và từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, Nhà nước cần tiếp tục ban hành những chính sách khuyến khích phát triển phù hợp. Trong đó tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ cho các DN quảng bá, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường…

Bên cạnh đó, DN cần có chiến lược đẩy mạnh đầu tư và phát triển sản phẩm tại khu vực nông thôn. Việc xây dựng các kênh phân phối phù hợp, đồng thời với việc giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm tiện lợi, phù hợp với văn hóa tiêu thụ hàng hóa của các khu vực khác nhau rất quan trọng nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa. Đặc biệt, DN cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới bởi thị trường hàng tiêu dùng liên tục thay đổi, việc cải tiến và tạo ra những sản phẩm mới không chỉ kích thích nhu cầu của người tiêu dùng mà còn giúp thị trường tăng trưởng.

Việt Nam có cơ cấu dân số nằm trong nhóm trẻ nhất thế giới (56% dân số dưới 30 tuổi) tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi và đạt xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020. Điều đó sẽ kéo theo tốc độ tăng trưởng của thị trường các sản phẩm tiêu dùng nhanh tại Việt Nam trung bình khoảng 20%/năm, vượt qua những thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *